Thị trường bảo hiểm Phi nhân thọ trong thời kỳ hội nhập

0

Thị trường  bảo hiểm phi nhân thọ

Năm 2016, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 36.372 tỷ đồng, tăng 14,04% so với cùng kỳ năm 2015. Dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ về doanh thu phí gốc là Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) với doanh thu đạt 6.782 tỷ đồng, tăng 5,03% so với cùng kỳ năm 2015, chiếm 18,65% thị phần.

Tiếp đến là Bảo Việt với doanh thu ước đạt 6.333 tỷ đồng, tăng 8,65% so với năm 2015, chiếm 17,41% thị phần; Bảo Minh đứng thứ ba với doanh thu ước đạt 3.034 tỷ đồng, tăng 7,51% so với năm 2015, chiếm 8,34% thị phần, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu Điện (PTI) đứng thứ tư với doanh thu ước đạt 3.020 tỷ đồng, tăng 22,68% so với năm 2015, chiếm 8,30% thị phần; Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đứng thứ năm với doanh thu ước đạt 2.467 tỷ đồng, tăng 10,56% so với năm 2015, chiếm 6,78% thị phần.

Ngoài các DNBH dẫn đầu thị trường trên, một số DNBH có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt trên 50% so với cùng kỳ năm 2015 như: Công ty cổ phần Bảo hiểm Liên Hiệp – UIC (639 tỷ đồng, tăng 89,02%), Phú Hưng (90 tỷ đồng, tăng 72,61%), Công ty cổ phần Bảo hiểm hàng không – VNI (500 tỷ đồng, tăng 62,48%)… Một số DNBH khác có doanh thu phí bảo hiểm gốc giảm so với cùng kỳ năm 2015 là Samsung Vina (1.010 tỷ đồng, giảm 12,05%), BIC (1.471 tỷ đồng, giảm 5,17%), Chubb (167 tỷ đồng, giảm 4%).

Xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm xe cơ giới cơ giới chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu (11.754 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 32,3%), tiếp theo là bảo hiểm sức khoẻ (9.472 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 26,0%), bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại (5.409 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14,9%), bảo hiểm cháy nổ (3.307 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,1%), bảo hiểm hàng hóa vận chuyển (2.211 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,1%).

Số tiền bồi thường bảo hiểm gốc trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ năm 2016 ước đạt khoảng 12.571 tỷ đồng, tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc là 34,56%; thấp hơn tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2015 (43,31%).

Đáng chú ý, có 18/30 DNBH có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường; 11 DNBH còn lại và 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường. Trong đó, có 3 DNBH và 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài có tỷ lệ bồi thường trên 50% là Phú Hưng (53,07%), Fubon (75,89%), Cathay (62,74%) và SGI (56,24%).

Năng lực tài chính của các DNBH phi nhân thọ năm 2016 ước đạt 67.585 tỷ đồng (tăng 13,94% so với năm 2015, đạt mức tăng trưởng bình quân 16,2%/năm giai đoạn 2011-2016). Tổng đầu tư trở lại nền kinh tế của các DNBH phi nhân thọ ước đạt 34.449 tỷ đồng (tăng 6,48% so với năm 2015, mức tăng trưởng bình quân 7,9%/năm giai đoạn 2011-2016).

Những kết quả trên cho thấy, thị trường bảo hiểm phát triển ổn định, tính an toàn, bền vững và hiệu quả của thị trường được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân. Bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được trong thời gian qua, thị trường bảo hiểm còn một số tồn tại, hạn chế sau:

Một là, tuy số lượng sản phẩm bảo hiểm đã khá đa dạng nhưng đa số các sản phẩm được thiết kế cố định, trọn gói, khó điều chỉnh, chia nhỏ theo nhu cầu đa dạng của bên mua bảo hiểm. Bên cạnh đó, phân khúc khai thác bảo hiểm còn chưa đồng đều, các DNBH chủ yếu tập trung khai thác tại các thành phố lớn và các đối tượng có thu nhập cao.

Hai là, năng lực quản trị điều hành, hiệu quả hoạt động của một số DNBH phi nhân thọ còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DNBH phi nhân thọ; phí bảo hiểm chưa được xây dựng dựa trên cơ sở số liệu thống kê để đảm bảo an toàn tài chính và hiệu quả hoạt động của DN.

Ba là, thị trường bảo hiểm vẫn còn tình trạng gian lận trong kinh doanh bảo hiểm đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích của DNBH và người tham gia bảo hiểm.

Một số giải pháp thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển

Để đảm bảo thị trường bảo hiểm phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, đảm bảo quyền lợi của DNBH trong nước cũng như quyền lợi của bên mua bảo hiểm, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục triển khai một số giải pháp cơ bản như: Đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm; phát triển các DN hoạt động kinh doanh bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành đạt chuẩn mực quốc tế, hoạt động hiệu quả, đảm bảo khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập…

Cùng với đó, cần chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm; nâng cao năng lực quản lý, giám sát nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại hóa; xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin kết nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các DNBH…

Bên cạnh các giải pháp trên, trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai các nội dung sau:

– Nghiên cứu, hoàn thiện Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 61/2010/QH12; tiếp tục triển khai hoàn thiện các chính sách về bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thuỷ sản, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm vi mô; nghiên cứu, xây dựng các chính sách bảo hiểm thiên tai…

– Các DN kinh doanh bảo hiểm cần đổi mới hơn nữa công tác quản trị DN theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế; quan tâm đến việc đa dạng hóa và phát triển sản phẩm, mở rộng các kênh phân phối như bancassurance, hệ thống đại lý, thương mại điện tử; Các DN cần hợp tác cạnh tranh lành mạnh và tuân thủ pháp luật trong quá trình hoạt động kinh doanh; thực hiện tốt việc chi trả quyền lợi bảo hiểm cho các tổ chức, cá nhân, các nhà đầu tư không may gặp rủi ro để sớm khôi phục sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống dân cư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và thực hiện chính sách an sinh xã hội.

– Các cơ quan hữu quan cần bám sát tình hình hoạt động của DN, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ DN trong quá trình hoạt động, nhưng vẫn đảm bảo quyền tự chủ về hoạt động kinh doanh của DNBH; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để có những khuyến nghị, cảnh báo kịp thời cho các DNBH.

– Tiếp tục triển khai thực hiện, có hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm, các chương trình hợp tác đang thực hiện với các tổ chức và đối tác quốc tế, đặc biệt là các dịch vụ bảo hiểm trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết…

Bạn cũng có thể thích