Một số quy định mới trong Thông tư 50/2017/TT-BTC ngày 15/5/2017 của Bộ Tài Chính áp dụng từ 01/7/2017
- Bỏ quy định doanh nghiệp bảo hiểm không được trả hoa hồng bảo hiểm cho đại lý bảo hiểm trong trường hợp đấu thầu (Điều 5 Hoa hồng đại lý bảo hiểm)
- Bổ sung nguyên tắc chấp thuận đăng ký sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới (Điều 6 Phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, chấp thuận đăng ký sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới), theo đó
Bộ Tài chính sẽ kiểm tra hồ sơ; sự phù hợp của quy tắc, điều khoản sản phẩm và phí bảo hiểm của sản phẩm với mức phí bảo hiểm thuần do Bộ Tài chính công bố.
Hướng dẫn cụ thể về mức phí bảo hiểm thuần: là mức phí bảo hiểm đảm bảo nghĩa vụ chi trả bồi thường bảo hiểm, được xác định trên số liệu thống kê của doanh nghiệp; chưa bao gồm các khoản thuế VAT, khoản đóng góp , trích lập, chi hoa hồng, chi phí quản lý... của doanh nghiệp. Bộ Tài chính có công văn công bố mức phí bảo hiểm thuần.
Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Thông tư có hiệu lực, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm rà soát, đăng ký quy tắc, điều khoản, biểu phí của các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới với Bộ Tài chính theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Nghị định số 73.
- Sửa đổi quy định về thời hạn thanh toán phí bảo hiểm giữa doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm (quy định cũ là dưới 05 ngày)
Khoản 2 Điều 7:“Khi bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có trách nhiệm thanh toán số phí bảo hiểm nói trên cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài theo thời hạn đã thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được phí bảo hiểm”.
Khoản 2 Điều 8:“Khi bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài có trách nhiệm thanh toán hoa hồng môi giới bảo hiểm từ phí bảo hiểm thu được theo thời hạn đã thỏa thuận nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được phí bảo hiểm”.
- Bổ sung hướng dẫn về nhượng tái bảo hiểm theo chỉ định của người được bảo hiểm (khoản 2 Điều 11)
Người được bảo hiểm chỉ định một hoặc một số doanh nghiệp tái bảo hiểm cụ thể và yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm nhượng tái bảo hiểm cho một hoặc một số doanh nghiệp đã được chỉ định đó
Người được bảo hiểm chỉ định một hoặc một số doanh nghiệp môi giới bảo hiểm cụ thể và yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm thu xếp tái bảo hiểm qua một hoặc một số doanh nghiệp môi giới bảo hiểm đã được chỉ định đó.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ của chuyên gia tính toán (Điểm a khoản 1 Điều 15 và điểm a khoản 1 Điều 16)
Tính toán phí bảo hiểm và tham gia xây dựng quy tắc, điều khoản của các sản phẩm bảo hiểm, tái bảo hiểm, xác nhận phí bảo hiểm được xây dựng dựa trên số liệu thống kê, đảm bảo tính khả thi về kinh tế, kỹ thuật của sản phẩm và khả năng thanh toán của DNBH, hàng năm đánh giá chênh lệch giữa các giả định tính phí so với thực tế triển khai của từng sản phẩm.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về trích lập dự phòng nghiệp vụ đối với bảo hiểm phi nhân thọ (Điều 17)
Bổ sung quy định về cách xác định trách nghiệm giữ lại của doanh nghiệp bảo hiểm:
“Trách nhiệm giữ lại = Trách nhiệm bảo hiểm gốc + Trách nhiệm nhận tái bảo hiểm – Trách nhiệm nhượng tái bảo hiểm.
Hướng dẫn cụ thể về phương pháp tính dự phòng nghiệp vụ đối với trách nhiệm bảo hiểm gốc, trách nghiệm nhận tái bảo hiểm và trách nhiệm nhượng tái bảo hiểm.
Đối với Phương pháp trích lập theo tỷ lệ phần trăm của tổng phí bảo hiểm chỉ áp dụng đối với các hợp đồng có thời hạn từ 1 năm trở xuống.
Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày Thông tư có hiệu lực, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện rà soát, đăng ký lại phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ với Bộ Tài chính (nếu khác so với quy định) và áp dụng từ năm tài chính 2017.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ
7.1. Dự phòng toán học (điểm 3.1 khoản 3 Điều 18)
Đối với bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm trả tiền định kỳ: Trong mọi trường hợp, phương pháp trích lập dự phòng toán học phải đảm bảo kết quả không thấp hơn dự phòng được tính theo phương pháp và cơ sở dưới đây:
– Phương pháp trích lập:
+ Đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn từ 05 năm trở xuống: Phương pháp phí bảo hiểm thuần.
+ Đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 05 năm:
++ Đối với bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm trả tiền định kỳ: Phương pháp phí bảo hiểm thuần được điều chỉnh bởi hệ số Zillmer 3% số tiền bảo hiểm.
++ Đối với bảo hiểm tử kỳ: Phương pháp phí bảo hiểm thuần điều chỉnh FPT 12 tháng.
– Cơ sở trích lập: Bảng tỷ lệ tử vong CSO1980 và lãi suất kỹ thuật tối đa không vượt quá 70% lãi suất bình quân của trái phiếu Chính phủ kỳ hạn từ 10 năm trở lên được phát hành trong 06 tháng gần nhất trước thời điểm trích lập dự phòng. Lãi suất kỹ thuật được sử dụng để trích lập dự phòng không được vượt quá tỷ suất đầu tư bình quân của 04 (bốn) quý liền kề trước đó của doanh nghiệp bảo hiểm và lãi suất tính phí của từng sản phẩm bảo hiểm.
Đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí tự nguyện, dự phòng toán học bao gồm: Dự phòng rủi ro bảo hiểm; Dự phòng nghiệp vụ đối với phần liên kết chung; Dự phòng nghiệp vụ đối với phần liên kết đơn vị; Dự phòng nghiệp vụ đối với tài khoản bảo hiểm hưu trí; Dự phòng cho các quyền lợi bảo hiểm khác ngoài quyền lợi về rủi ro bảo hiểm và quyền lợi đầu tư.
7.2. Dự phòng bảo đảm lãi suất cam kết (Điểm 3.5 khoản 3 Điều 18)
Dự phòng bảo đảm lãi suất cam kết: Trường hợp thị trường đầu tư có biến động hoặc kết quả đầu tư từ nguồn phí bảo hiểm thấp hơn lãi suất cam kết, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trích lập dự phòng bảo đảm lãi suất cam kết. Mức trích lập tương ứng với chênh lệch giữa kết quả đầu tư từ nguồn phí bảo hiểm và lãi suất cam kết của doanh nghiệp đối với khách hàng theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
7.3. Về việc đăng ký, phê chuẩn
– Khoản 4 Điều 18 quy định: Trường hợp thay đổi phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ, DNBH thực hiện theo quy định tại Điều 58 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP. Trường hợp thay đổi cơ sở trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm (trừ trường hợp giảm lãi suất kỹ thuật để đáp ứng quy định tại tiết a điểm 3.1 khoản 3 Điều này), DNBH có văn bản đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận trước khi áp dụng, kèm tài liệu chứng minh cơ sở trích lập dự phòng nghiệp vụ phù hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
– Khoản 5 Điều 18 quy định: Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, DNBH thực hiện rà soát, điều chỉnh các phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ theo quy định tại Thông tư này, thực hiện thủ tục đề nghị Bộ Tài chính phê chuẩn theo quy định tại Điều 58 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP và áp dụng từ năm tài chính 2017.
- Bổ sung quy định về dự phòng nghiệp vụ đối với bảo hiểm sức khỏe (Điều 19)
8.1. Dự phòng toán học: được áp dụng đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 01 năm để đảm bảo được các trách nhiệm đã cam kết khi xảy ra sự kiện bảo hiểm trong tương lai.
a) Đối với các hợp đồng bảo hiểm sức khỏe (trừ các hợp đồng bảo hiểm quy định tại tiết b điểm này): DNBH được chủ động lựa chọn phương pháp trích lập như: phương pháp phí bảo hiểm gộp, phương pháp phí bảo hiểm thuần, phương pháp theo hệ số thời hạn hợp đồng trên cơ sở phí bảo hiểm gộp hoặc các phương pháp khác theo thông lệ quốc tế. Trong mọi trường hợp, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải đảm bảo kết quả trích lập dự phòng không thấp hơn kết quả trích lập theo phương pháp hệ số thời hạn 1/8 trên cơ sở phí bảo hiểm gộp.
b) Đối với các hợp đồng bảo hiểm sức khỏe do doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài triển khai, chỉ bảo hiểm cho trường hợp chết, thương tật toàn bộ vĩnh viễn: DNBH lựa chọn trích lập dự phòng toán học theo một trong các phương pháp sau:
– Phương pháp phí bảo hiểm thuần và cơ sở quy định tại gạch đầu dòng thứ hai, tiết a điểm 3.1 khoản 3 Điều 18 Thông tư.
– Phương pháp trích lập dự phòng phí theo từng ngày quy định tại điểm 3.1 khoản 3 Điều 17 Thông tư trên cơ sở phí bảo hiểm gộp.
8.2. Dự phòng phí chưa được hưởng: được tính theo các phương pháp quy định tại điểm 3.1 khoản 3 Điều 17 Thông tư, áp dụng đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn từ 01 năm trở xuống.
8.3. Dự phòng bồi thường:
– Dự phòng bồi thường cho các tổn thất đã phát sinh thuộc trách nhiệm bảo hiểm nhưng đến cuối năm tài chính chưa được giải quyết
– Dự phòng bồi thường cho các tổn thất đã phát sinh thuộc trách nhiệm bảo hiểm nhưng chưa thông báo.
8.4.Dự phòng đảm bảo cân đối:
– Đối với doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe: Mức trích lập hàng năm là 1% từ lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe, được trích lập hàng năm cho đến khi khoản dự phòng này bằng 5% phí bảo hiểm thu được trong năm tài chính của doanh nghiệp.
– Đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm kinh doanh bảo hiểm sức khỏe: Mức trích lập hàng năm và sử dụng dự phòng đảm bảo cân đối tương tự dự phòng dao động lớn.
- Bổ sung quy định về dự phòng nghiệp vụ đối với tái bảo hiểm
Thông tư đã lồng ghép các quy định đối với doanh nghiệp tái bảo hiểm kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, nhân thọ và sức khỏe vào các quy định tại Dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ (Điều 17), Dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ (Điều 18) và Dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe (Điều 19).
- Sửa đổi, bổ sung quy định về cách tính Biên khả năng thanh toán (điều 20)
– Bổ sung quy định loại trừ giá trị hạch toán đối với CCQ là 15% (= cổ phiếu niêm yết)
– Bổ sung tài sản tái bảo hiểm, tạm ứng từ giá trị hoàn lại vào các tài sản được chấp nhận toàn bộ giá trị hạch toán
– Bổ sung phải thu liên quan đến hoạt động nhận, nhượng tái bảo hiểm (sau khi bù trừ các khoản phải thu, phải trả của cùng một tổ chức nhượng, nhận tái bảo hiểm trong cùng kỳ đối chiếu) quá hạn từ 90 ngày đến dưới 01 năm: loại trừ 30%. Trường hợp kết quả bù trừ giữa các khoản phải thu và các khoản phải trả âm (-): loại trừ 0%;
– Bổ sung phải thu liên quan đến hoạt động nhận, nhượng tái bảo hiểm (sau khi bù trừ các khoản phải thu, phải trả của cùng một tổ chức nhượng, nhận tái bảo hiểm trong cùng kỳ đối chiếu) quá hạn từ 01 năm đến dưới 02 năm: loại trừ 50%. Trường hợp kết quả bù trừ giữa các khoản phải thu và các khoản phải trả âm (-): loại trừ 0%;
– Bổ sung các khoản đầu tư gián tiếp nước ngoài chưa thu hồi được trong vòng 01 năm kể từ khi quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài có hiệu lực và tài sản tái bảo hiểm tương ứng với dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm của các hợp đồng nhượng tái bảo hiểm không tuân thủ quy định của pháp luật về nhượng tái bảo hiểm: loại trừ toàn bộ giá trị hạch toán.
– Bỏ quỹ khen thưởng, phúc lợi khỏi tài sản bị loại trừ toàn bộ giá trị hạch toán
- Sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc hạch toán doanh thu trong trường hợp nhận và nhượng tái bảo hiểm (khoản 1 Điều 21)
– Trường hợp nhận tái bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm hạch toán vào doanh thu phí nhận tái bảo hiểm và các khoản thu khác phát sinh từ hoạt động nhận tái bảo hiểm theo bản thanh toán về tái bảo hiểm được xác nhận.
– Trường hợp nhượng tái bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm hạch toán phí nhượng tái bảo hiểm, hoa hồng nhượng tái bảo hiểm và các khoản thu khác phát sinh từ hoạt động nhượng tái bảo hiểm cùng kỳ với kỳ kế toán quý ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm gốc hoặc phí nhận tái bảo hiểm tương ứng.
- Sửa đổi hướng dẫn về nguyên tắc xác định doanh thu của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm (khoản 2, khoản 3 Điều 23)
– Doanh thu hoạt động tài chính: Theo quy định chung về chế độ kế toán doanh nghiệp đối với doanh thu hoạt động tài chính.
– Thu nhập hoạt động khác: Theo quy định chung về chế độ kế toán doanh nghiệp đối với thu nhập hoạt động khác.
- Sửa đổi quy định về tách quỹ chủ sở hữu và quỹ chủ hợp đồng của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ
13.1. Bổ sung nguyên tắc phân bổ các giao dịch phát sinh về tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí liên quan đến nhiều quỹ của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (điểm 7.3 khoản 7 Điều 26)
Trường hợp DNBHNT sử dụng các tiêu thức phân bổ chi phí chung khác với tiêu thức quy định thì phải đảm bảo công bằng giữa các quỹ và phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp.
13.2. Sửa đổi, bổ sung quy định điều chuyển tài sản và bù đắp thâm hụt của quỹ chủ hợp đồng của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (khoản 2 và khoản 3 Điều 27)
– Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ không được điều chuyển tài sản, nguồn vốn từ quỹ chủ hợp đồng sang quỹ chủ sở hữu, trừ trường hợp hoàn trả số tiền góp đầu tư hình thành quỹ hoặc số tiền đã được quỹ chủ sở hữu chuyển cho quỹ chủ hợp đồng để bù đắp thâm hụt theo quy định tại khoản 1 Điều này.
– Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ duy trì nhiều quỹ chủ hợp đồng, doanh nghiệp không được điều chuyển tài sản hoặc nguồn vốn giữa các quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm trừ trường hợp phân bổ các khoản phí đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí. Doanh nghiệp không được sử dụng thặng dư của quỹ chủ hợp đồng này để bổ sung cho quỹ chủ hợp đồng khác bị thâm hụt.
- Bổ sung quy định về tách quỹ chủ sở hữu và quỹ chủ hợp đồng của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (Khoản 2 và khoản 4 Điều 28)
– Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công ty) của doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện thủ tục đăng ký với Bộ Tài chính theo quy định tại khoản 2 Điều 70 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP và có trách nhiệm giám sát việc triển khai thực hiện các nguyên tắc phân bổ này sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận.
– Người đại diện theo pháp luật, kế toán trưởng và chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm về việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này và tính chính xác của các số liệu.
- Bổ sung một số mẫu báo cáo (Điều 32)
15.1. Đối với phi nhân thọ
– Báo cáo theo dõi riêng doanh thu, chi phí từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo từng loại nghiệp vụ bảo hiểm (Mẫu số 10-PNT)
– Báo cáo kết quả kinh doanh bảo hiểm vật chất xe cơ giới (Mẫu số 11-PNT)
– Báo cáo của chuyên gia tính toán dự phòng nghiệp vụ và khả năng thanh toán (Mẫu số 13-PNT)
15.2. Đối với NT
– Báo cáo trích lập dự phòng bảo đảm lãi suất cam kết (Mẫu số 4E-NT)
– Báo cáo trích lập dự phòng bảo đảm cân đối (Mẫu số 4G-NT)
– Báo cáo quy mô kênh phân phối (Mẫu số 9-NT)
– Báo cáo doanh thu theo kênh phân phối (Mẫu số 10-NT)
– Báo cáo chi nhánh, văn phòng đại diện, trung tâm dịch vụ khách hàng (Mẫu số 11-NT)
- Công bố thông tin (Khoản 2 Điều 35)
Trong thời hạn 15 ngày đầu mỗi tháng, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải công bố các sản phẩm bảo hiểm được phép triển khai trong tháng trước liền kề (nếu có) bao gồm: Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm, mẫu hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và các tài liệu có liên quan trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài.
- Quy định về thành lập và hoạt động của Ban kiểm soát khả năng thanh toán
Bổ sung 01 Chương quy định về thành lập và hoạt động của Ban kiểm soát khả năng thanh toán (chương VI), gồm các mục:
– Mục 1 Thành lập Ban kiểm soát khả năng thanh toán
– Mục 2 Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát khả năng thanh toán
– Mục 3 Thẩm quyền của Bộ Tài chính và trách nhiệm của các đơn vị liên quan