Bảo hiểm trùng

0

Bảo hiểm trùng là gì?

Bảo hiểm trùng là trường hợp có hai hay nhiều hơn hai đơn bảo hiểm được cấp cho cùng một đối tượng bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm hay một phần của nó mà tổng số tiền được bảo hiểm vượt quá giá trị bảo hiểm. Về nguyên tắc, trong trường hợp bảo hiểm trùng, khi đối tượng bảo hiểm bị mất thì những người bảo hiểm chỉ trả tới giá trị tối đa bằng giá trị bảo hiểm.

Khoản 1 Điều 44 Luật kinh doanh bảo hiểm 2010 quy định:

” Hợp đồng bảo hiểm trùng là trường hợp bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm với hai doanh nghiệp bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng một đối tượng, với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm.

Pháp luật không cấm bên mua bảo hiểm mua bảo hiểm trùng cho tài sản bởi vì đây là quyền định đoạt của chủ sở hữu đối với tài sản. Tức là, chủ tài sản được quyền mua bảo hiểm cho tài sản tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình đối với tài sản. Qua điều 44, ta thấy dấu hiệu của hợp đồng bảo hiểm trùng là:

+ Có ít nhất 2 hợp đồng bảo hiểm cùng tồn tại mà bên mua bảo hiểm giao kết với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau.

+ Các hợp đồng bảo hiểm này cùng bảo hiểm cho một quyền lợi chung.

+ Các hợp đồng bảo hiểm này cùng bảo hiểm cho một rủi ro chung.

+ Các hợp đồng bảo hiểm này cùng bảo hiểm cho một đối tượng bảo hiểm chung.

+ Mỗi hợp đồng bảo hiểm đều chịu trách nhiệm với tổn thất chung.

Phương thức giải quyết khi các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm trùng:

Khoản 2 Điều 44 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định:

” Trong trường hợp các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm trùng, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết. Tổng số tiền bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản.

Như vậy, phương thức giải quyết chung khi sự kiện bảo hiểm xảy ra là:

+ Các doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận.

+ Tổng số tiền bồi thường không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản.

Ví dụ:

Ông A có một chiếc xe ôtô hiệu M. Ngày 2/3/2005 ông A mua bảo hiểm vật chất xe (bảo hiểm tài sản) tại doanh nghiệp bảo hiểm B với số tiền bảo hiểm là 1,1 tỷ đồng. Ngày 3/4/2005 ông A lại mua bảo hiểm cho chiếc xe tại doanh nghiệp bảo hiểm C với số tiền bảo hiểm là 900 triệu đồng. Cả hai hợp đồng bảo hiểm trên đều cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm. Ngày 5/8/2005, chiếc xe bị tai nạn (rủi ro xảy ra trong phạm vi bảo hiểm), tổn thất toàn bộ. Giá trị của chiếc xe được định giá tại thời điểm tổn thất là 800 triệu đồng.

Trong trường hợp trên, trách nhiệm của hai doanh nghiệp bảo hiểm được xác định như sau:

-Doanh nghiệp bảo hiểm B phải chịu trách nhiệm bồi thường là: 1,1 tỷ (sồ tiền bảo hiểm đã thỏa thuận giữa doanh nghiệp B và ông A) chia cho 2 tỷ (là tổng số tiền bảo hiểm của hai hợp đồng giao kết với doanh nghiệp bảo hiểm B và C tức 1,1 tỷ cộng với 900 triệu) được tỷ lệ là 55% nhân với giá trị thiệt hại thực tế là 800 triệu. Vậy, số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm B phải bồi thường là 440 triệu đồng.

-Doanh nghiệp bảo hiểm C phải chịu trách nhiệm bồi thường là: 900 triệu chia cho 2 tỷ được tỷ lệ là 45% nhân với giá trị thiệt hại thực tế là 800 triệu sẽ ra số tiền bồi thường là 360 triệu.

Bạn cũng có thể thích